Tình hình tuồng bản ở Huế Tuồng Huế

Huế là nơi tập trung nhiều kịch bản tuồng nhất. Tuồng bản Hán Nôm chỉ xuất hiện khi văn học kịch nghệ cùng kỹ thuật in ấn mộc bản phát triển. Vào giai đoạn đầu, diễn viên tuồng "diễn cương", không có kịch bản. Ông bầu gánh hát sẽ soạn một sườn theo nội dung tích truyện rồi phân vai diễn viên theo nội dung đó mà tự tạo lời thoại, tương tự như diễn dân gian chèo ở miền Bắc.

Tuồng Huế được diễn cương đến trước nửa thế kỷ 18. Cuối thế kỷ 18, văn học dần dần phát triển và giới nho sỹ, trí thức xem tuồng như phương tiện giải trí hội đủ các yếu tố văn học nghệ thuật nên đã quan tâm đến các lời thoại, lời hát trong khi trình diễn, do đó kịch bản tuồng đã dần hình thành. Thời kỳ kịch bản tuồng được sáng tác mạnh mẽ nhất là từ thời Minh Mạng đến Tự Đức. Riêng pho tuồng Vạn bửu trình tường đã có hơn 100 hồi. Thời Tự Đức có một tổ chức sáng tác tuồng được thành lập, đó là Ban Hiệu Thư, gồm các tiến sĩ và cử nhân cũng các thành phần trí thức chuyên việc sáng tác kịch bản và hiệu đính các phường bản (bản tuồng trong dân gian) thành kinh bản (bản tuồng ở kinh đô) cho phù hợp với quan điểm đạo lý và chính trị của nhà nước đương thời.

Trải qua nhiều biến cố lớn như: biến cố thất thủ kinh đô năm 1885, giai đoạn 1945-1946 (Cách mạng Tháng Tám), giai đoạn 1954-1963...kho tàng tuồng bản ở Huế đã bị mất mát lớn. Vào năm 1975, lại một lần nữa dân Huế lại di tản, đa phần dân Huế đưa gia đình, tài sản, gia vật vào Đà Nẵng và các thành phố khác. Các bản tuồng, nếu có cũng như các sách vở khác thường bị bỏ lại.

Các tuồng bản dân gian nổi tiếng: Di tình (Nghêu, sò, ốc, hến); Trương Ngáo; Trương đồ nhục; Trần Bồ; Giác sanh duyên; Tào lao; Lâm Sanh - Xuân Nương; Phạm Công - Cúc Hoa...

Tuy ý kiến về nguồn gốc phát sinh của tuồng dân gian có khác nhau với mỗi tài liệu, nhưng xác định giai đoạn phát triển của loại tuồng này thì đã được giới nghiên cứu đồng nhất: đó là thời điểm cuối thế kỷ 19. Chính vào thời điểm này, xã hội có những chuyển biến thuận lợi cho sự lớn mạnh của loại tuồng này về nhu cầu cách tân nghệ thuật biểu diễn. Chỉ có tuồng dân gian mới đáp ứng được những yêu cầu đó khi chế độ phong kiến triều Nguyễn không còn giữ được vị thế chính trị vững mạnh như trước.